IT BUSINESS ANALYST (IT BA) – Chúng ta học & “Truyền Nghề” cho nhau

Bài viết này không phải bàn về kỹ thuật hay “dạy dỗ” gì cho nghề BA, nếu bạn muốn tìm hiểu về cái đó thì “anh Google” sẵn sàng cung cấp một thư viện bao la chỉ với các từ khóa liên quan, tôi viết về cảm nhận của mình sau vài năm chinh chiến.

IT Business Analyst (IT BA) – có thể gọi là Chuyên viên phân tích nghiệp vụ phần mềm, phân tích kinh doanh, phân tích yêu cầu người dùng, phân tích …<tùy tình huống mà dịch từ “business” khác nhau>.

Đã theo nghề được vài năm, mà mỗi khi nghĩ về việc viết cái gì đấy liên quan đến Công nghệ Thông tin (CNTT, tiếng Anh gọi là Information Technology – IT) thì lại thấy hơi khó … Vì thuật ngữ trong lĩnh vực này ở Việt Nam phần lớn toàn sử dụng tiếng Anh.

Nghề IT BA vẫn còn rất trẻ, có lẽ chưa được ra đời hoặc chưa phổ biến khi tôi bước chân vào giảng đường Đại học – năm 2003. Khoảng sau khi ra trường đi làm chừng vài năm, tôi mới nghe loáng thoáng về nghề đấy, một nghề thuộc lĩnh vực IT nhưng với tuổi đời còn mới ở Việt Nam, mới hơn nhiều so với những nghề khác cùng ngành. Vì vậy chủ yếu những người làm trong nghề thường xuyên “dạy dỗ” và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, ngồi lại với nhau chia sẻ những “bài học xương máu” để cùng trưởng thành hơn trong nghề.

Nói về nghề BA trong lĩnh vực IT Outsoucing, được ra đời sau này chủ yếu là để “vá lỗ hỏng” trong quá trình phát triển phần mềm, để “kết nối”, lấp đầy những chỗ thiếu sót, chuẩn hoá các nghiệp vụ theo một quy trình logic và chặt chẽ hơn. Vì vậy, “câu châm ngôn muôn thuở” của một người BA đó là “Bridging the gaps” (“vá” lỗ hổng, “lấp” chỗ thiếu sót.)

GAP (a break or hole in an object or between two objects – định nghĩa từ google), dịch ra có thể là chỗ gián đoạn, thiếu sót, lỗ hổng,v.v… GAP có nhiều nghĩa, có thể áp dụng liên quan cả về không gian lẫn thời gian. Thông thường thì hay ám chỉ đến những khó khăn thường gặp khi không thể kết nối các vấn đề lại với nhau thành một chuỗi thống nhất nhằm cho ra những giải pháp tối ưu.

Vậy tính ra nghề BA mang ý nghĩa thật đẹp đẽ, nghề được sinh ra để tìm và kết nối những điểm thiếu sót và khiến mọi thứ trôi chảy hơn. Cái từ quen thuộc dành riêng cho BA outsourcing là “Bridging…” – Làm cầu nối giữa khách hàng hay có thể gọi là Chủ sản phẩm (Product Owner – PO) và nhóm phát triển (Development team) hoặc cụ thể hơn là “biên dịch” yêu cầu khách hàng (User requirements) sang ngôn ngữ kỹ thuật.

Vậy: BA sinh ra để “sửa lỗi”. Thế thì có được quyền phạm sai lầm?

Các tài liệu về chuyên về đào tạo BA chủ yếu nói về chiến lược phân tích nghiệp vụ phần mềm trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, và luôn luôn nhấn mạnh rằng “mọi thứ nên được rõ ràng và minh bạch vào thời điểm đầu”, nào là phải think-out-of-the-box, phân tích để thấy được những vấn đề tiềm ẩn,…tóm lại là cần phải làm đúng nhất có thể ngay từ giai đoạn khởi tạo. Và ĐÚNG là một điều rất rất cần thiết đối với một BA, đặc biệt là BA mới vào nghề (Senior BA).

Nghề BA (mà thực ra có thể áp dụng cho mọi nghề), nếu làm đúng và làm tốt thì không sao, cũng chẳng nhận được vinh quang gì, nhưng khi làm sai, ví dụ như phân tích bị thiếu một vài điểm quan trọng thì rắc rối khá lớn. Vì sai lầm của một BA có thể ảnh hưởng đến công việc của cả nhóm, trễ deadline, mất danh tiếng với khách hàng,.. do đó khi BA “phạm lỗi” thì chắc chắn là bị “thập diện mai phục” từ khách hàng, từ cấp trên, từ nhóm làm việc …

“I am only human, sometime I make mistake”…

Máy móc đôi khi còn phạm sai lầm huống chi là con người, vấn đề ở đây là sửa sai như thế nào mới là quan trọng. Khi nhận thấy sai lầm thì sửa liền, kịp thời nhanh chóng, cập nhật tình hình ngay lập tức cho cả nhóm, chấp nhận là mình đã sai và đưa ra các giải pháp khắc phục. Chứ mà “ém ém giấu dốt thì chết cả trùm!”.

Đây là cái nghề “làm dâu trăm họ”, có khi đóng luôn cả vai trò “Customer service” với khách hàng, và bảo vệ team. Họ dùng nhiều ngôn ngữ để vừa có thể nói chuyện với PO, vừa có thể làm việc với các nhà phát triển (Developers), và lại còn phối hợp với cả Quản lý dự án (Project Manager – PM),…

Chính vì thế mà đặc điểm chung của các BA thường là duyên dáng, dễ thương, thân thiện, đáng mến, nói nhiều, nói dai, nói dài nhưng không dở,… BA buộc phải là người sử dụng ngôn ngữ tốt, cả nói lẫn viết, vì đó là cái nghề chuyên dịch ngôn ngữ “từ Anh sang Anh, từ Anh sang Việt, từ văn viết sang văn nói, từ văn nói sang văn viết, từ business qua technical, v.v…”

Sau vài năm chiến đấu với nghề, tôi thấy rằng cái nghề BA giúp “rèn luyện tính cách, phát triển bản thân” rất tốt, vì đây là nghề mà chúng ta biết thấm thía thế nào là “sai lầm” và buộc phải học tập kinh nghiệm (Lesson learnt) thương đau cho những lần sau. Cuộc sống thường ngày cũng vậy, khi sống với sai lầm thì mới có thể phát triển được, nhớ có lần trong giai đoạn mới vào nghề, tôi đã phạm lỗi khiến cho cả nhóm phải dời lại deadline 1 ngày và lôi vào họp hành cả buổi mới xong, về nhà thì mất ăn mất ngủ, đóng cửa phòng xấu hổ cắm mặt vào gối không dám ngước mặt nhìn ai, tối về lại phân tích lý do tại sao phạm lỗi, có thể vì cứng đầu, vì quá tự tin, vì ẩu, bla bla…

Và khi làm việc với nhiều dự án khác nhau, học tập được nhiều kiến thức ở mỗi ngành nghề khác nhau, BA cũng sẽ có nhiều câu chuyện hay ho để kể về những trải nghiệm đã qua, những câu chuyện được kể bằng ngôn ngữ bình dị, dễ tiêu hóa chứ không phải theo kiểu ngôn ngữ kỹ thuật, rất máy móc và khó nuốt trôi…

“Cũng đáng tự hào khi là một BA đấy!!” –  — Ms Lucy – Hoang Phuong Thao —

Nguồn: Hiệu chỉnh từ Blog – https://thaophuonghoang.wordpress.com

 

Previous Post
Next Post
Exit mobile version