Mọi người hiếm khi dừng lại để tìm hiểu nguồn gốc của nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi hay xác định những sự kiện cụ thể đã góp phần tạo nên nó. Tuy nhiên, với vai trò của chuyên gia phân tích nghiệp vụ (Business Analyst - BA), BAC và bạn có thể làm được điều đó trong bài viết sau đây!

Dù vẫn còn là một lĩnh vực khá mới mẻ tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể xác định chính xác vấn đề đã dẫn đến nhu cầu cho vị trí này hiện nay. Thông qua đó giúp các tổ chức nhận ra giá trị to lớn mà BA mang lại trong việc thúc đẩy thay đổi và cải tiến. Hãy cùng BAC khám phá hành trình ra đời của vai trò chuyên gia phân tích nghiệp vụ và những yếu tố đã định hình sự phát triển của nó nhé!

1. Từ thời xa xưa

Nghe có vẻ hơi xa vời, nhưng những yếu tố cốt lõi của vai trò BA như: tinh thần đổi mới và tư duy tìm kiếm giải pháp hiệu quả đã tồn tại từ thuở sơ khai.

Từ việc tìm cách bảo vệ bản thân tốt hơn, đảm bảo nguồn lương thực ổn định, cho đến việc phát minh ra những phương thức tối ưu để tiếp cận nhu cầu thiết yếu, tổ tiên loài người luôn không ngừng tìm kiếm cách làm tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đó chính là tiền đề của tư duy phân tích và cải tiến liên tục mà các BA ngày nay vẫn áp dụng trong công việc.

2. Sự khởi đầu thực sự
Vào những năm 1940 những chiếc máy tính đầu tiên được sản xuất hàng loạt bắt đầu xuất hiện. Ban đầu, máy tính chủ yếu được sử dụng bởi chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức lớn. Tuy nhiên, chúng còn rất sơ khai: không thân thiện với người dùng, hiệu suất hạn chế và cách vận hành phức tạp. Mặc dù vậy, những tổ chức tiên phong vẫn nhận ra tiềm năng to lớn mà máy tính mang lại.
 

Khi nhu cầu sử dụng máy tính tăng lên, nhu cầu về các chuyên gia công nghệ thông tin (IT) cũng bùng nổ. Các nhà sản xuất máy tính cá nhân không ngừng cải tiến công nghệ, từ việc nâng cấp khả năng lưu trữ dữ liệu đến việc giới thiệu giao diện người dùng thân thiện hơn. Những bước tiến này giúp máy tính trở nên phổ biến hơn và dễ tiếp cận hơn với công chúng.

Bước sang những năm 1980 và 1990, công nghệ phát triển mạnh mẽ, kéo theo kỳ vọng ngày càng cao từ người dùng. Nhưng một vấn đề lớn dần lộ rõ: sự đứt gãy trong giao tiếp giữa đội ngũ lập trình viên – những người phát triển hệ thống kỹ thuật – và người dùng cuối, những người không am hiểu về công nghệ. Chính khoảng cách này đã đặt nền móng cho sự ra đời của một vai trò mới: Chuyên gia phân tích nghiệp vụ (Business Analyst).

3. Sự ra đời của chuyên gia phân tích nghiệp vụ

Sự đứt gãy trong giao tiếp chính là tiền đề cho sự xuất hiện của những chuyên gia phân tích nghiệp vụ đầu tiên. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, họ thường được gọi là chuyên gia phân tích hệ thống (Systems Analysts), với trọng tâm chủ yếu là tối ưu hóa phần mềm và hệ thống máy tính.

Điều khiến họ trở nên đặc biệt là khả năng hiểu và kết nối cả hai thế giới – ngôn ngữ kinh doanh và ngôn ngữ kỹ thuật. Họ giúp làm sáng tỏ những yêu cầu và mong muốn của doanh nghiệp, đồng thời chuyển đổi chúng thành các yêu cầu kỹ thuật có thể thực hiện được.

Khi các nhóm phát triển phần mềm và đội ngũ IT liên tục cải tiến hệ thống, các chuyên gia phân tích nghiệp vụ được tận dụng để dẫn dắt các dự án kỹ thuật và thu hẹp khoảng cách kiến thức giữa nhóm công nghệ và các bộ phận khác trong tổ chức.

Những BA đầu tiên có thể được xem như những “phiên dịch viên”, dễ dàng chuyển đổi giữa ngôn ngữ của doanh nghiệp và thuật ngữ kỹ thuật.

4. Sự ra đời của tư duy Agile

Năm 2001, một nhóm chuyên gia công nghệ đã viết ra Tuyên ngôn Agile (Agile Manifesto), trong đó đề cập đến bốn nguyên tắc chính trong quản lý dự án Agile:

  • Cá nhân và sự tương tác quan trọng hơn quy trình và công cụ.
  • Phần mềm hoạt động được quan trọng hơn tài liệu đầy đủ.
  • Hợp tác với khách hàng quan trọng hơn việc đàm phán hợp đồng.
  • Phản hồi linh hoạt quan trọng hơn việc tuân thủ kế hoạch cứng nhắc.

Tư duy Agile ra đời từ sự chán nản của những người trong ngành phần mềm đối với tỷ lệ thất bại cao của các dự án do khuôn khổ cứng nhắc và quy trình kém hiệu quả. Họ mong muốn tìm ra một phương pháp linh hoạt, hiệu quả và thành công hơn.

Kể từ đó, Agile đã trở thành một phần không thể thiếu trong lĩnh vực phân tích nghiệp vụ. Đây là một triết lý được cộng đồng BA áp dụng rộng rãi và là điều mà bất kỳ chuyên gia BA nào cũng nên làm quen.

5. Sự phát triển của vai trò BA

Khi các tổ chức nhận ra giá trị mà BA mang lại, họ bắt đầu mở rộng phạm vi ứng dụng kỹ năng của BA sang nhiều lĩnh vực khác trong doanh nghiệp. Ngày nay, BA đang đóng vai trò như chủ sở hữu sản phẩm (Product Owner) và làm việc chặt chẽ với nhóm sản phẩm hơn bao giờ hết. Họ dẫn dắt sự hợp tác giữa các bên liên quan và trở thành người điều phối chính trong các cuộc thảo luận chiến lược. BA luôn cố gắng chuyển đổi cách làm việc truyền thống để thích nghi dần với môi trường Agile ngày càng phổ biến

Đặc biệt, BA tham gia sâu hơn vào các sáng kiến cải tiến quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là với các nguyên tắc LEAN (LEAN là một triết lý quản lý tập trung vào việc loại bỏ lãng phí và tối đa hóa giá trị mà khách hàng nhận được. Phương pháp này có nguồn gốc từ hệ thống sản xuất Toyota và đã được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau.).

6. Sự bùng nổ của các lĩnh vực mới

Những năm gần đây, vai trò BA đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, và xu hướng này vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Một số chuyên ngành nổi bật đang dần trở thành xu hướng bao gồm:
  • Phân tích dữ liệu (Data Analysis)
  • Nghiên cứu thị trường (Market Research Analysis)
  • Phân tích an ninh thông tin (Information Security Analysis)

Sự đa dạng này cho thấy vai trò BA không ngừng tiến hóa và thích nghi với nhu cầu ngày càng thay đổi của doanh nghiệp.

Thật thú vị khi nhìn lại chặng đường mà vai trò chuyên gia phân tích nghiệp vụ đã trải qua đúng không nào? Với tiềm năng mở rộng vô hạn và giá trị ngày càng được khẳng định, BA tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn các tổ chức tìm ra giải pháp hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan và khách hàng. Đừng quên đón xem các bài viết mới nhất sẽ được cập nhật thường xuyên tại BAC's Blog.

 

Nguồn tham khảo:
https://thebaguide.com

Nhu cầu đào tạo doanh nghiệp

BAC là đơn vị đào tạo BA đầu tiên tại Việt Nam. Đối tác chính thức của IIBA quốc tế. Ngoài các khóa học public, BAC còn có các khóa học in house dành riêng cho từng doanh nghiệp. Chương trình được thiết kế riêng theo yêu cầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn và tư vấn phát triển.
 
 

CÁC KHOÁ HỌC BUSINESS ANALYST BACs.VN DÀNH CHO BẠN

Khoá học Online:

Khoá học Offline:

Tại Tp.HCM:

Tại Hà Nội:

Tham khảo lịch khai giảng TẤT CẢ các khóa học mới nhất

Ban biên tập nội dung - BAC